Phong cảnh Sài Gòn trên bình pha lê Steuben

Đầu năm 1954, Công ty Steuben Glass, một công ty danh tiếng của Mỹ, thành lập từ năm 1903, chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh và pha lê nghệ thuật, đã quan tâm đến việc thu thập bản vẽ của các nghệ sĩ đương đại vùng Viễn Đông và Cận Đông để thực hiện một bộ tác phẩm chạm khắc được gọi là Asian Artists in Crystal, trong đó sẽ thể hiện các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và truyền thống phương Đông, về Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Muốn thực hiện được điều này, cần phải có một người am hiểu về phương Đông để đảm nhận việc tìm kiếm và phối hợp cùng với các họa sĩ ở các nước phương Đông. Người điều phối này phải có khả năng lôi cuốn các nghệ sĩ châu Á nhận lời tham gia vào dự án hợp tác đầy hứa hẹn này. Bên cạnh đó, các họa sĩ được mời tham gia dự án phải là những người sẵn lòng đóng góp phong cách, bút pháp và cả sự nhiệt tâm của mình cho nghệ thuật chạm khắc thủy tinh, là sự kết hợp mang tính quốc tế về nghệ thuật và thủ công.
Vì đã thực hiện nhiều cuộc hành trình trên khắp Châu Á trong khi tìm kiếm các bản thảo và sách diễn họa cho Bộ Sưu tập Spencer của Thư viện Công cộng New York, ông  Karl Kup, Trưởng ban Nghệ thuật và Kiến trúc thuộc Thư viện Công cộng New York đã được ông Arthur A. Houghton, Jr., Chủ tịch của Steuben Glass, đề nghị đảm nhận dự án này. Đây là một dự án đầy thử thách và cũng là điều vinh dự với ông. Là người nghiên cứu, ông hiểu biết về thiết kế tác phẩm nghệ thuật bằng thủy tinh, từ bước đầu là nghiên cứu trực quan công đoạn thổi, chế tác thủy tinh và nghệ thuật chạm khắc những tác phẩm thủy tinh quý hiếm và tinh xảo. Ông có khả năng nhận diện các kỹ thuật sơn và vẽ thích hợp cho sự diễn đạt dưới bàn tay của nghệ nhân chạm khắc.
Với những thuận lợi đó, ông sớm nhận được sự cam kết hỗ trợ không chỉ từ các đại sứ quán, lãnh sự quán, và các viên chức phụ trách văn hóa các nước châu Á mà còn từ các tổ chức và cá nhân. Một bức thư gửi đến ông: “Hãy đến tham quan học viện và gặp gỡ các nghệ sĩ tại Bangkok”. Một bức thư khác thì hứa hẹn những chuyến tham quan xưởng của các họa sĩ ở Istanbul. Một thông điệp từ Seoul: “Cuộc chiến tranh đã tạo áp lực lớn cho nghệ thuật ở Hàn Quốc, nhưng các nghệ sĩ của chúng tôi vẫn không ngừng sáng tác”. Thủ đô Colombo của Srilanka thì xác định rằng có một lễ hội nghệ thuật trùng với chuyến đi của ông sẽ mở rộng vòng tay chào đón dự án của Steuben.


Từ Mỹ, ông lên đường, quá cảnh ở Hawaii, và rồi đến Nhật Bản đầu tiên.
Ở Nhật, ông gặp Shiko Munakata, là họa sĩ, nhà thư pháp, nghệ nhân chạm khắc gỗ và chế tác đồ gốm đường thời tài hoa nhất của Nhật Bản. Tuy còn lạ lẫm về nghệ thuật chạm khắc với bánh xe bằng đồng, ông ta nhận lời tham gia với các họa sĩ Châu Á khác. Ông nói rõ: “Tác phẩm của ngài sẽ được gửi đến New York để bộ phận thiết kế của Steuben dựng hình và tạo khuôn kính. Ở đó, các nhà thiết kế sẽ nghiên cứu tác phẩm của ngài, kể cả phân tích nét cọ cũng như chủ đề. Các nghệ nhân chạm khắc sẽ cầm dụng cụ và khắc tác phẩm của ngài lên pha lê lấp lánh”. Ý tưởng này đã lôi cuốn ông ta, và ông ta nói “mong muốn cùng nhau tạo ra một kiệt tác đã quyến rũ tôi”. Hình ảnh cây tre, cá chép, cây thông và hoa anh đào sớm thành hình, kèm theo những câu Thiền đạo được diễn họa theo lối thư pháp bay bỗng. Sau đó, khi chuyển sang một bản khắc gỗ hình Ananda, đệ tử của Đức Phật, đã được thực hiện trước đó.  Shiko Munakata nói: “Đó nên là Ananda, ngài cũng đã bắc cầu qua biển giữa các quốc gia; ngài cũng đã mở đường cho sự hiểu biết lẫn nhau; tôi sẽ gửi cho anh tác phẩm Ananda để khắc trên kính Steuben”.
Tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam (miền Nam) và Indonesia cũng nhanh chóng tham gia. Bên cạnh sự say đắm trong truyền thống của đất nước và niềm tin của họ, hầu hết các nghệ sĩ châu Á lúc đó chưa có nhiều kiến thức và hiểu biết về nghệ thuật của Phương Tây. Các bức họa, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc của họ khá tự nhiên tuân theo chu kỳ chủ đề đã được lập sẵn; phong cách diễn họa của họ là bản địa, gần như trực quan. Ở Hàn Quốc, chủ nghĩa tượng trưng vẫn thu hút giới họa sĩ đương đại; ở Trung Quốc thì tâm trạng, tư tưởng và thơ ca lại quan trọng hơn chủ đề; ở Philippines thì có những dấu vết về sự ảnh hưởng của Phương Tây; ở Việt Nam và Indonesia, là một khuynh hướng mạnh mẽ hướng đến những đề tài đầy màu sắc của văn hóa dân gian. Các ngôi đền Angkor Wat, các mẫu dệt may của miền Trung Java, và các lễ hội của người theo đạo Hindu ở Bali: tất cả những điều đó ông đã tìm thấy trong bản vẽ của các nam nữ họa sĩ đương đại vùng Đông Nam Á.
Sau đó, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ và Sri Lanka, với tôn giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo, là nguồn cảm hứng chủ đạo. Ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có sự gần gũi của các nghệ sĩ đối với quan niệm và biểu hiện của Phương Tây. Ngược lại với Ấn Độ, Tích Lan và Đông Nam Á, nhiều họa sĩ Trung và Cận Đông đã cho thấy sự tuân thủ giới luật Mô-sê (Mosaic), được tìm thấy trong Kinh Koran và cấm đoán việc chạm khắc hình tượng.


Có 36 bản vẽ đã được thể hiện, được chạm khắc với những thiết kế bởi nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia ở vùng Viễn và Cận Đông.
Các bản vẽ, bây giờ được khắc trên kính pha lê, sẽ cất lên tiếng nói với khách chiêm ngưỡng giống như ở lần đầu tiên hiện hữu trong xưởng của các họa sĩ.
Dự án này sẽ không thể thành công nhờ sự giúp đỡ của các viên chức phụ trách văn hóa ở các nước; sự nhiệt thành của các họa sĩ; trí tưởng tượng và sự am hiểu của các nhà thiết kế thủy tinh; tính chính xác và cần cù của những người thợ chế tác thủy tinh; và độ tinh xảo của những người thợ chạm khắc. Đó là một câu chuyện đẹp nhất ở châu Á, cuối thập niên 1950. Asian Artists in Crystal là kết quả sáng ngời của tư tưởng và tác phẩm của nhiều bàn tay và khối óc trên khắp thế giới.
Công ty Steuben Glass đã có truyền thống hợp tác với các nghệ sĩ đương đại trong việc chế tác pha lê chạm khắc trang trí. Bắt đầu vào thập niên 30 với các bậc thầy như Matisse, Laurencin, Cocteau, Gill và Grant Wood, các họa sĩ đã tiếp nối dùng tài năng của mình tạo nên những bản thiết kế phù hợp với việc chuyển thể trên kính qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ chạm khắc. Giá trị của bản vẽ gốc thuộc về cá nhân của người họa sĩ; nhưng rõ ràng người thợ chế tác và chạm khắc kính phải có tay nghề thật siêu việt thì mới đạt đến độ xuất sắc một cách đồng đều như vậy.
Tất nhiên, dự án hợp tác này sẽ không thể thành công nếu thiếu bàn tay dẫn dắt và tinh thần của nhà nghệ nhân chạm khắc kính thủy tinh. Họ chính là người diễn giải bản vẽ của các họa sĩ và thiết kế ra hình dạng mẫu kính tuyệt vời và hài hòa về tổng thể này. Từ trước đến nay, nhà thiết kế của Steuben chỉ tương tác duy nhất với nghệ thuật Phương Tây. Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật đến từ những vùng đất xa xăm ở Châu Á và Trung Đông đã đặt ra một thách thức mới, kích thích kỹ năng và kiến thức của họ.Trong bộ sưu tập này, nhà thiết kế đã cố gắng tìm cách để nắm bắt được cái hồn của bản vẽ gốc và để gợi lên những ảnh hưởng tôn giáo, chủng tộc và địa lý.
Một tập hợp bản sao của các bản vẽ đã được trưng bày tại Trung tâm thủy tinh Corning; Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York; Marshall Field và Công ty Chicago; Gump ở San Francisco; và các cửa hàng khác mang Steuben Glass. Tổng thống Hoa Kỳ, ông Dwight Eisenhower, đã dành 35 phút xem tại The National Gallery of Art vào tháng Giêng năm 1956.
 
TÁC PHẨM “BỀNH BỒNG TRÊN SÔNG NƯỚC” (THE FLOATING VILLAGE) CỦA HỌA SĨ NGUYỄN VĂN LONG
Làng nổi là một hình ảnh rất phổ biến ở Việt Nam, một đất nước đông dân cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc, nhất là ở miền Nam. Nhiều thế hệ trong một gia đình ở đây được sinh ra, lớn lên và chết đi trên những con thuyền tam bản có mái che, được neo đậu bên những cây cầu gỗ hay trên các bến sông.
Làng nổi là sự tập hợp của những chiếc thuyền riêng lẻ, mà trong những chiếc thuyền đó những người thợ khéo léo đã kết hợp xếp đặttừng phòng riêng dành cho bàn thờ tổ tiên, cho những người lớn tuổi trong gia đình, cho nhà bếp. Câu cá và trồng lúa là nguồn sinh kế của người dân nơi đây; nhu cầu của họ thì ít, sở thích của họ lại bình dị. Cư dân làng nổi phụ thuộc vào con nước: sự chuyển động lắc lư của ngôi nhà đã in hằn trong huyết quản của họ.


Nguyễn Văn Long, nhà thiết kế bức “Bềnh bồng trên sông nước” (The Floating Village) được chạm khắc trên bình pha lê, sanh quán tại Chợ Lớn, năm 1907. Ông đã tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương và đã nhận được một huy chương vàng tại Triển lãm Việt Nam ở Tokyo vào năm 1942 với bức tranh “Thiếu nữ”. Ông giảng dạy về môn vẽ lụa, sơn mài, trang trí tại Trường Mỹ nghệ Gia Định từ năm 1936 đến 1943. Sau đó, ông dạy tại trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương). Từ năm 1949, ông dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia (Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh) và là Hiệu trưởng trường này từ năm 1966 – 1967. Ông từng tham dự trưng bày tác phẩm tại các cuộc triển lãm quốc tế ở Nhật, toà thánh Vatican và Hoa Kỳ. Ông cũng đã được cử sang Camuchia, Thái Lan phụ trách việc thiết kế các gian hàng Việt Nam tại hội chợ  Nam Vang 1955, Bangkok năm 1956.
Ông vốn ngưỡng mộ trường phái Ấn tượng của Pháp nên phong cách này đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông. Sở trường của ông là tranh lụa và sơn mài và ông am hiểu rành rẽ nghệ thuật biểu hiện bằng sơn dầu, vẽ than, màu bột, phấn màu… Bức “Bềnh bồng trên sông nước” (The Floating Village)thể hiện một cảnh rất đặc trưng của thành phố Sài Gòn: cảnh sinh hoạt của những người dân sinh sống trên sông Sài Gòn ở khúc sông gần cầu Ông Lãnh bằng khí lực mạnh mẽ, và mang cảm giác chuẩn mực về tỷ lệ.
Năm 1959, bình pha lê này đã được tặng tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm từ tay đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Elbridge Durbrow, trong một buổi lễ long trọng tại dinh Độc Lập ngày 8 tháng 5, kỷ niệm ngày hai vị tổng thống gặp nhau tại Mỹ. Như vậy, bình pha lê này đã trở về Việt nam sau 3 năm tham dự các cuộc triển lãm tại nhiều bảo tàng nổi tiếng tại Mỹ. Cho đến nay, không biết số phận chiếc bình pha lê này ra sao.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn