Cảnh sắc mùa xuân trên gốm cổ

Mùa xuân – mùa của cây lá đâm chồi nảy lộc khoe sắc với thiên nhiên, mùa của chim muôn ríu rít chuyền cành, mùa của sự an lành thanh khiết, mùa của đất trời nắng ráo, trong xanh. Xuân về mang cái đẹp, sức sống đến cho cỏ cây hoa lá và mang cả những náo nức, mê say cho lòng người… Và mùa xuân cũng là đề tài muôn thuở được những nghệ nhân từ cổ chí kim thể hiện trên các tác phẩm hội họa, điêu khắc dân gian và trang trí trên gốm sứ…

Trong số hàng trăm ngàn hiện vật gốm sứ Chu Đậu có niên đại cách đây hơn 500 năm được khai quật tại vùng biển Cù Lao Chàm – Hội An, ngoài những đề tài quen thuộc về thiên nhiên, cảnh vật, đất nước, con người Đại Việt vào thời Lê sơ ở thế kỷ XV, XVI thì cũng có không ít những hiện vật gốm sứ cổ được những người nghệ nhân xưa thể hiện những mô-típ trang trí về cảnh sắc, thiên nhiên thời đó khi đất trời vào Xuân…

Sắc xuân trên gốm cổ Chu Đậu được những người nghệ nhân xưa thể hiện trên hầu hết các loại hình từ những chiếc đĩa đại, đĩa lớn, đĩa trung, đĩa nhỏ, bình tỳ bà, kendy, bát, chén đến những chiếc âu, bình, liễn, hủ, lọ, hộp… Và bao trùm lên trên hết là những hình ảnh sống động, ngập tràn sắc xuân của một đất nước Đại Việt tươi đẹp, thanh bình với những đề tài trang trí đa dạng và cách thể hiện phong phú.

Thông qua những nét vẽ cách đây hàng trăm năm, ta có thể cảm nhận được sắc xuân tưng bừng, rộn rã, vui tươi với cỏ, cây, hoa lá đâm chồi nãy lộc đón những ánh nắng ấm áp của mùa xuân giữa phong cảnh núi non trùng trùng điệp, biển cả mênh mông, sông dài lượn sóng, trời trong nắng ráo… Cảnh sắc mùa xuân hiện lên rõ nét trên những đồ gốm men trắng hoa lam hoặc men ngũ thái, men tam thái (thường được vẽ bằng ba màu: vàng, đỏ, xanh lục) với những hình ảnh mang đậm cảnh sắc, hồn quê nông thôn Việt Nam như bụi chuối, bờ tre, khóm trúc, nhánh mai, cành đào, cây tùng…; với hình ảnh các loài hoa muôn màu khoe hương, tỏa sắc như cúc, lựu, phù dung, mẫu đơn, vạn thọ, súng, sen… được điểm tô thêm những mẫu dây hoa lá cách điệu.

Cảnh sắc mùa xuân còn được thể hiện một cách sinh động với hình ảnh chim muông (như chim én, phượng hoàng, bồ nông, yểng, bói cá, sếu, le le, sẻ, chích chòe…), ong, bướm, chuồn chuồn… ríu rít, dập dìu bên hoa lá, cỏ cây tươi thắm; hình ảnh đàn chim đang chao liệng giữa trời xanh giữa khung cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền đi du xuân thưởng ngoạn hay hình ảnh một chú nai (hay hoẵng) đang ngậm một bông hoa nở rộ trong dong trên đồng cỏ xanh; hình ảnh cá tôm từng đàn bơi lượn giữa hoa lá, rong rêu xanh tươi; hình ảnh những chú voi, ngựa, trâu, nai, dê, hươu… đang nhởn nhơ dạo bước kiếm ăn trên những cánh đồng cây cỏ tốt tươi.

Mùa xuân – mùa của lễ hội, của những trò chơi dân gian tao nhã như cờ người, đấu vật, đánh đu, chọi trâu, đá gà… Chính vì vậy, những người nghệ nhân gốm Chu Đậu xưa bằng nét vẽ của mình cũng đã thể hiện một số trò chơi dân ngày xuân trên sản phẩm gốm sứ. Đó là hình ảnh con trâu có vẻ như đang chọi nhau giữa những đám mây cuộn cách điệu hay dây hoa lá cuộn vẽ trên những chiếc đĩa, hình ảnh hai chú gà đang đá nhau dưới một gốc cây tùng cành lá xum xuê được vẽ bằng men tam thái trên chiếc đĩa có vành miệng chia thùy…

Với những nét vẻ tả thực đầy tươi vui, sống động, sắc xuân trên gốm cổ Chu Đậu thể hiện được một cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, tươi đẹp, tràn đầy sức sống với cỏ cây, hoa lá, vạn vật thắm xanh, tươi tốt; với chim chóc, muôn thú rộn ràng hòa cùng tiết trời vào xuân; với những thú vui dân gian tao nhã mỗi dịp Tết đến xuân về… Thông qua những họa tiết này có thể thấy đất ta vào thời Lê sơ ở thế kỷ XV, XVI là một đất nước tươi đẹp, thanh bình với một xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ấm no, thịnh vượng…

0 bình luận

Viết bình luận của bạn