Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Kiến trúc độc đáo giữa lòng Hà Nội

Nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi có dịp đến thăm Hà Nội. Nơi đây không chỉ lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam mà còn làm cho mỗi du khách cảm nhận được sự thanh bình, yên tĩnh cùng những ấn tượng sâu sắc trước kiến trúc của tòa nhà trưng bày: một kiến trúc cổ điển nhưng hiện đại, được kết hợp hài hòa trong phong cách Á – Âu từng chi tiết đến tổng thể.

 Cũng như nhiều công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, tòa nhà này được xây dựng và khánh thành vào năm 1937, nguyên là ký túc xá của nhà thờ giáo hội Gia – tô, mang tên Gia đình Gian đa (Famille de Jean d’Arc), với mục đích dành cho con gái của các quan chức người Pháp khắp Đông Dương học tại Hà Nội. Sau năm 1945, từ 1957 – 1960 tòa nhà đã từng là trụ sở phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Giám sát đình chiến ở Việt Nam, từ 1960 – 1962, đây là nơi làm việc của các chuyên gia Liên Xô.

 Đến năm 1962, tòa nhà được giao cho Bộ Văn hóa sửa sang để biến nơi đây trở thành một nơi sưu tập, trưng bày và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Nhiệm vụ khó khăn này lúc đó đã được giao cho cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – nguyên viện trưởng đầu tiên của Bảo tàng. 


Công việc này thực sự không đơn giản bởi lẽ ngôi trường cổ có kết cấu mang đặc trưng của kiến trúc phương Tây với hệ thống các phòng nhỏ, hành lang, ban công, cửa sổ cao… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải tạo ngôi nhà này tương thích với không gian nghệ thuật, phù hợp với chức năng của một bảo tàng mỹ thuật, cũng như lưu giữ được các nét độc đáo của kiến trúc phương Tây nhưng thấm đượm hồn văn hóa dân tộc. Ngôi nhà 3 tầng được xây dựng theo kiểu Tây Âu với đường nét sắc ngọt được chuyển sang kiểu thức Á Đông với các hình khối đầy đặn, hàng cột. Các yếu tố kiến trúc mỹ thuật thời kỳ nhà Lý vào thế kỷ 11 được thể hiện ở phần bệ hoa sen dưới chân cột ở tiền sảnh bảo tàng.


chân trụ, chân lan can, mái nhà được trang trí chi tiết, tỉ mỉ tái hiện lại các chạm khắc gỗ của kiến trúc Đình làng Việt thế kỷ 16 - 17, góp phần gợi những cảm xúc nghệ thuật. Một số vách ngăn giữa các phòng nhỏ được phá bỏ nhằm tạo nên không gian có kích thước rộng rãi, phù hợp việc thực hiện ý tưởng nội dung trưng bày. Công trình lớn đã khiến họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung bỏ nhiều công sức nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Vốn là một nguời am hiểu về nghệ thuật trang trí mỹ thuật, gốm, điêu khắc, và nghệ thuật dân gian, ông đã nghiên cứu áp dụng những dáng dấp kiến trúc dân tộc vào một công trình cũ, đặc biệt là phần mặt trước và mái nhà. Việc thiết kế và thi công mái nhà mất gần 3 năm để vẽ và khảo cứu chi tiết. Với quan điểm “kế tục và phát triển” sự nghiệp cha ông bao đời, ông đã áp dụng một cách sáng tạo, hợp lý và không khiên cưỡng trong ý tưởng thiết kế, cải tạo và xây dựng nhà bảo tàng. Các yếu tố trang trí mới đã được khai thác từ những truyền thống tinh hoa nghệ thuật kiến trúc cổ - kiến trúc vì kèo.


Không chỉ tập trung sửa sang lại kiến trúc mà cánh cửa chính của tòa nhà cũng được gia công có chủ ý, bộ cánh cửa hình chim phượng ngậm cuốn thư bay trên sóng nước được chạm nổi trên gỗ lim một cách chi tiết và tỉ mỉ. Lớp vôi quét bên ngoài cũng được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Lớp vôi trắng vào khoang tường giáp cửa sổ góp phần định hình một cách mạch lạc rõ nét các thành phần kiến trúc và tạo cho ngôi nhà một vẻ tao nhã. Màu sắc tô điểm cho kiến trúc bảo tàng bắt nguồn từ sự giản dị. Những ước lệ rất sinh động gợi từ sắc của những cây gỗ quý, rêu phong đã biến đổi theo thời gian, bên cạnh màu trắng dứt khoát của đá và tường vôi tạo ra một hòa sắc vui và tươi sáng. Hòa sắc vàng sáng ấm làm thay đổi hoàn toàn về diện và chất của ngôi nhà. 

Hà Nội có nhiều công trình mang kiến trúc Pháp, tuy nhiên, kiến trúc Pháp mà tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang sở hữu lại rất độc đáo và đầy ấn tượng. Từ kiến trúc của một ngôi trường cổ mang đậm phong cách phương Tây, nơi đây đã được cải biến mang đậm kiến trúc phương Đông, phù hợp trở thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Kể từ khi khánh thành vào ngày 24/6/1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, mà chính bản thân tòa nhà cũng đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn