Andy Cao - Xavier Perrot: Cảnh quan như những cấu trúc của tâm trí

Xuất thân từ chuyên ngành kiến trúc cảnh quan, và có nhiều năm làm việc với phong cảnh ở nhiều dự án và công việc khác nhau, Andy Cao người Mỹ gốc Việt cư trú tại Los Angeles (Hoa Kỳ) là một kiến trúc sư-nghệ sỹ phong cảnh hoạt động tích cực trong môi trường kiến trúc và nghệ thuật địa hình bình diện quốc tế hiện nay. Kết hợp với Xavier Perrot – kiến trúc sư cảnh quan người Pháp để thành lập Cao-Perrot từ những năm 1998, họ đặt trọng tâm vào nghiên cứu và phát triển từ nghệ thuật vườn cảnhvốn có lịch sử phát triển và truyền thống lâu đời trong văn minh nhân loại.Những giải pháp nghệ thuật của Cao-Perrot không bị giới hạn bởi không gian vật lý, có năng lực tích hợp và chuyển hóa các đặc điểm sẵn có của khung cảnh vào tác phẩm, và kết hợp với cách sử dụng vật liệu độc đáovà công nghệ xây dựng hiện đại. Từ đó họ đưa ra những cấu trúc và phương án nghệ thuật đa dạng: các thiết kế vườn cảnh cho không gian công cộng và tư nhân, sắp đặt ngoài trời ngắn hạn và dài hạn, tác phẩm cộng đồng và ứng tác địa hình… với triết thuyết sáng tạo mang nhiều âm hưởng của tinh thần phương Đông và đương đại.


Tạo dựng phong cách khác biệt với các nghệ sỹ cảnh quan lừng danh như Christo & Jeanne-Claude, cách tiếp cận của Cao-Perrot nhấn mạnh nhiều hơn vào sự hòa hợp giữa khung cảnh tự nhiên để đặt ra những cách thức tiếp cận và tác động tinh tế, biểu tượng hóa sự vật với mỗi cảnh quan và tìm kiếm sự tương tác phi công nghiệp giữa phần nghệ thuật và đời sống. “Vườn kính”(1), tác phẩm cảnh quan đầu tay (?) của các nghệ sỹ, khái quát và chuyển hóa hình ảnh của những ruộng muối lấp lánh dưới ánh mặt trời biển miền Trung, vào không gian của khu vườn ở bờ Nam nước Mỹ đem lại những ấn tượng thị giác siêu thực và lãng mạn cổ điển. Nhấc sự vật ra khỏi khung cảnh nguyên bản chuyển sang cảnh quan mới, tự nó đã định nghĩa lại giá trị thông tin và giá trị thẩm mỹ.
“Mây”(2), một sắp đặt cho không gian công cộng tại Washington DC (Mỹ) năm 2013, kết hợp giữa các vật liệu dây thép, vụn gương kính tái chế tạo thành một hình thể đám mây dựng ở cao độ nhìn xuống thành phố. Khung cảnh đô thị nhìn từ trên cao trở nên mềm hóa và lãng mạn bởi đám mây điêu khắc, sự hiện diện của nó hoàn toàn thay đổi đặc tính vật lý và thị giác và tính chất của cảnh quan.


“Vườn khổng lồ”(3) tạo một đám mây pha lê bao phủ diện tích hơn 4,500m2 của khu vườn tại Wattens (Áo) với vật liệu chủ đạo là lưới kim loại và pha lê của hãng Swarovski. Khu vực sắp đặt bao quanh hồ nước nhỏ, những lưới thép liên kết nhau tạo thành một cấu trúc mây liên miên quanh những con đường và vườn cảnh ven hồ, điểm nhấn là hàng trăm ngàn hạt pha lê cài trên đó. Diện tích dàn trải phù hợp, cao độ được khống chế hợp lý với cây cối tự nhiên xung quanh, tạo ra một khung cảnh huyền hoặc và choáng ngợp. Điểm nhấn tác phẩm thể hiện ở khả năng phản chiếu ánh sáng tự nhiên và nhân tạo liên tục của các hạt pha lê, liên tục biến đổi từ ngày sang đêm, tạo nên hiệu quả thị giác đặc biệt cả khi nhìn từ xa hay tiếp cận vào bên trong cảnh quan đó.


“Mây Pha Lê sau đó được tái hiện ở một quy mô nhỏ, là một Sắp đặt địa hình trên ngọn đồi Mâm Xôi tại khu vực ruộng bậc thang danh tiếng của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), tháng 6-2018 vừa qua. Ở một diện tích nhỏ hơn nhiều so với phiên bản trước, tính biến đổi và lãng mạn hóa khung cảnh vẫn xuất hiện với phương án thiết kế linh hoạt, tạo ra cơ hội để người xem tiếp cận gần tác phẩm. Tuy vậy quy mô triển khai nhỏ tạo ra những hạn chế làm tác phẩm dễ bị hút, biến mất khi đứng ở các điểm nhìn từ xa, phần nào không đủ tạo nên sức ép thẩm mỹ cho người xem.

Lựa chọn và sử dụng vật liệu là một trong trong những điểm mạnh của Cao-Perrot trong khả năng tiếp cận với một phong cảnh mới, phát triển ý tưởng và đưa ra giải pháp thẩm mỹ. Tạm bỏ qua những dẫn dắt tự sự có xu hướng lãng mạn của nghệ sỹ trong lý do chọn lựa, có thể nhìn nhận các vật liệu chủ đạo trong công trình của Cao-Perrot luôn mang nhiều hơn hai đặc tính thị giác để tạo ra những hiệu ứng đa dạng: khả năng phản chiếu hình ảnh và ánh sáng của gương kính, thủy tinh và pha lê, khả năng kết nối, mở rộng và tự tạo những cấu trúc rỗng-đặc phi tuyến của hệ dây thép, lưới hay sợi. Tính tự thân của vật liệu quyết định cấu trúc của tác phẩm, quyết định nhận thức thẩm mỹ và đa dạng thông tin thẩm mỹ tới người xem. Vật liệu ở đây được thay đổi công năng trong cấu trúc của tác phẩm: từ vị thế bị kiểm soát trong việc chuyển tải thông điệp thị giác và thẩm mỹ tới người xem, thành vị thế chủ động đưa ra thông tin đó. Mỗi loại vật chất trong cảnh quan của Cao-Perrot luôn hàm chứa thành phần động – moving parts,chúng tự tạo ra những đối thoại với sự vật và khung cảnh xung quanh: màu sắc của cánh đồng gương biến ảo theo thời gian trong ngày và thời tiết của từng mùa, hay các cấu trúc dây có độ lỏng lẻo nhất định để di động bởi gió, sự đụng chạm của con người, và kết cấu không gian ngẫu hứng mà các mảng lưới thép tạo ra khi liên kết với nhau, chồng chéo và đan cài, va đập hay tách rời nhau. Khả năng tạo ra nhiều biến thiên củanội hàm tác phẩm dẫn đến các biến thiên trong thị giác đưa ra nhiều biến số thẩm mỹ. Với mỗi một thời điểm, trạng thái khác nhau của thời gian và thời tiết, người xem được hưởng thụ và cảm nhận những vẻ đẹp thị giác khác nhau, linh hoạt, không nhàm chán. Tính động của tác phẩm là phần phức tạp nhất, thách thức nhất, khó kiểm soát nhất và thú vị nhất của tác phẩm cảnh quan.

Tính phi bền vững trong kết cấu tác phẩm của Cao-Perrot là một phần đáng lưu tâm khác khi nhìn nhận tác phẩm ở các giá trị về bền vững trong sáng tạo đương đại (ecologically, sustainability). Không phụ thuộc vào các vật liệu truyền thống của kiến trúc và điêu khắc (đá, gỗ, bê-tông, kim loại), Cao-Perrot lựa chọn những vật liệu có khả năng tái chế, nhẹ nhõm ở thể vật lý, phát triển về các cơ thể, cấu trúc kết nối và linh hoạt. Phong cách này ngẫu nhiên (?) mà phù hợp với “phản tượng đài” – counter monument, một trong những trào lưu đang được nhìn nhận nghiêm túc của nghệ thuật phương Tây.Trào lưu này khước từ các hệ thống biểu tượng hoành tráng, tác phẩm đồ sộ tốn kém, tạo ra những gánh nặng kinh tế (cho người thực hiện) và những gánh nặng trên tinh thần xã hội khi phải chịu đựng những hình tượng – có thể là phù hợp trong một khoảng thời khắc và hoàn cảnh nhất định – nhưng trở thành thừa thãi, phù phiếm và độc đoán khi tồn tại lâu dài. Những khu vườn cảnh hay Sắp đặt công cộng của Cao-Perrot có khả năng đứng lâu hơn các biểu tượng hoành tráng bởi sự hòa hợp luôn có với cảnh quan xung quanh, sự tương thích với chuyển đổi của môi trường và hành vi con người, và kết cấu nhẹ, linh hoạt, đơn giản khi cần di chuyển hay thay đổi hoặc phá bỏ. Cuối cùng chúng ta nhớ gì về một tác phẩm nghệ thuật: hình bóng của chúng trong tâm trí bởi trí nhớ hình ảnh, hay giá trị của cảm xúc và lĩnh ngộ mà nó tạo ra? Chúng ta có vẫn cần một cơ thể vật lý của tác phẩm để luôn nhắc nhở ta về một hệ giá trị, một cảm xúc hay một ý nghĩ không?
Những cảnh quan của Cao-Perrot mở ra khung cảnh của tâm trí, ám ảnh, ký ức và lãng quên, để người xem có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc kỳ diệu hiếm hoi trong hành trình phù du và hữu hạn của cuộc đời
 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn