Cây cọ nhí Xéo Chu: Tiếp lửa hội họa bằng trái tim ấm áp

Sinh ra trong gia đình có mẹ làm chủ phòng tranh, có thể nói Xèo Chu (sinh 8/2007) là “con nhà nòi một nửa”, vì từ nhỏ đã thấy tranh và tranh ở quanh mình. Vào năm 4 tuổi, khi lần đầu theo 2 anh trai đến lớp học vẽ để chơi, Xèo Chu đã cho thấy mình mới là người có khiếu. Từ đó đến năm 10 tuổi, vẽ hơn 200 bức đủ ngôn ngữ và chất liệu, gia đình giữ lại hơn 50 bức.

Tranh của Xèo Chu được nhiều người sưu tập, số tiền nhận về gia đình thường làm việc thiện nguyện, vì cây cọ nhí luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn, còn gia đình thì không muốn con bận tâm vào đồng tiền. Xèo Chu từng có triển lãm cá nhân tại Singapore, khai mạc ngày 5/6/2018 tại Ion Singapore.

Nhiều tranh của Xèo Chu được đấu giá thiện nguyện. Ví dụ như tại sự kiện từ thiện Saigon Summer Ball lần thứ 10 diễn ra hồi 15/9/2018 tại TP.HCM do Saigonchildren tổ chức, thu về hơn 5 tỷ đồng. Trong số này, bức tranh Gladiolus của Xèo Chu đã được đấu giá với số tiền 22.000 USD, người thắng cuộc là ông Jimmy Chan – CEO của tập đoàn phát triển bất động sản quốc tế Alpha King.

Vẽ chỉ để được vẽ

Xem tranh của Xèo Chu, nếu không để ý đến độ tuổi lên 10 của tác giả, chúng ta dễ có cảm tưởng đây là hành trình tìm về bút pháp tự do, tìm về con mắt trẻ thơ của một cây cọ thực thụ. Các bức tranh mang đến cho người xem nguồn năng lượng vui tươi, chia sẻ được niềm đam mê bất tận.

Như ảnh chụp tư liệu, từ 4-5 tuổi đến nay, Xèo Chu đã vẽ hơn 200 bức tranh, nhưng chỉ giữ lại chừng 50 bức, còn thì bôi xóa toan để vẽ đè lên. Cây cọ nhí này yêu thích việc vẽ hơn cả việc gìn giữ một tác phẩm đã hoàn thành, nên khi vẽ xong, nếu thấy chưa thật thích thì lại vẽ đè lên. Hành động này, vừa cho thấy sự cầu toàn tự nhiên của người có thiên tính làm sáng tạo, vừa cho thấy tinh thần bất vụ lợi của người cầm cọ. Vẽ chỉ để được vẽ mà thôi, chứ không hướng đến những mục đích thực dụng nào khác.

Chừng 5-6 năm mà vẽ hơn 200 bức tranh, có nhiều bức khổ khá lớn, chứng tỏ sự tập trung cao độ, cũng như hiệu suất làm việc. Thế nhưng Xèo Chu không chỉ vẽ tranh suốt ngày, ngoài đi học, bạn còn rất mê đọc truyện, thích nuôi chó, ham đá banh, tập đánh bóng bàn. Có lúc bạn thích học đàn, thích hát, thích đi du lịch, thích ra ngoài chụp hình cảnh vật…

Nói chung Xèo Chu là một cậu bé giống như bao đứa trẻ bình thường khác, nay thích này, mai thích kia, không định hình rõ ước mơ của mình trong tương lai. Nhưng có mấy thứ dường như Xèo Chu cứ thích trở đi trở lại, đó là vẽ tranh, đọc truyện và nuôi chó, đặc biệt vẽ tranh, lúc nào có hứng là vẽ liền. Có lần, trên xe du lịch cùng gia đình, cầm điện thoại của ba vẽ tranh say sưa, đến mức khi xe dừng lại thì bị ói, do quá tập trung vào màn hình, nên chóng mặt.

Xem tranh của Xèo Chu từ những bức đầu tiên, họa sĩ Đinh Quân nhận định: “Còn quá sớm để nói rằng định mệnh đã trao cho Chu con đường họa sĩ. Nhưng chắc chắn khó ai phủ nhận được tài năng bẩm sinh của Chu. Chu vẽ thản nhiên và mê mải, những gì Chu nhìn thấy từ phong cảnh cho đến sinh hoạt đời thường đều được giãi bày. Những sắc màu tinh khôi và trong trẻo, những tạo hình hồn nhiên và nhân hậu, tung tăng, sống động như đang cựa quậy, được chắt lọc qua ánh mắt, tâm hồn tinh khiết. Ngôn ngữ tự thân của những bức hoạ đã chinh phục bao trái tim những nguời yêu nghệ thuật, trong đó có cả tôi”.

Tranh của Xèo Chu có điểm đặc biệt, đó là không tập trung vào một phong cách nào cả, bạn cứ vẽ như cảm tưởng, vẽ như hình dung của mình. Nói chung thích gì vẽ nấy, không gò mình vào một quy tắc, một kỹ thuật nào, dù người xem có thể gọi tên chúng bằng các thuật ngữ khác nhau. Lúc ấn tượng, lúc biểu hiện, lúc ngẫu biến, lúc hành động… Điều này tưởng đơn giản, nhưng thực ra rất khó, vì trẻ em thường thích bắt chước, nhưng khi quen tay rồi, thì cứ thích làm như điều đã quen. Xèo Chu kể có lúc đi vẽ ngoại cảnh, tình cờ thấy nước mưa làm chảy màu bức tranh, từ đó thích vẽ kiểu chảy chảy như vậy.

Nguồn hội họa bên trong

“Đam mê đọc sách, thích đá bóng và ngồi thả hồn trước cây đàn dương cầm… là tổng hòa những gì làm nên chất “nghệ” ở cậu bé này. Bộ tranh của Chu vừa ngây thơ, vừa mang cái nhìn cuộc sống, cỏ cây ở tuổi lên mười. Có lẽ vậy mà nó có cả chất hiện thực lẫn nét trừu tượng. Nhát bút khỏe, minh mẫn, tươi sáng, tương phản hồn nhiên, đặt trong khoảng đậm lớn, đưa người xem đến khoái cảm thị giác gây xúc động và có phần kính nể. Nghệ thuật là bất tận, con đường còn dài với cậu bé mười tuổi, hy vọng Xèo Chu sẽ yêu nó hơn đến khi trưởng thành” – họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhìn nhận.

Vì đâu mà Xèo Chu vẽ được như vậy? Nhiều người nói vì Xèo Chu là con trai nhà sáng lập Bến Thành Art Gallery, từ nhỏ đã sống trong môi trường nghệ thuật, nên thích vẽ. Nghe cũng có lý, nhưng không hẳn như vậy, vì Xèo Chu có hai anh trai, cả ba đều thụ hưởng môi trường sống và điều kiện giáo dục như nhau, nhưng mỗi bạn lại một thiên hướng khác.

Thật ra, tất cả ngoại giới chỉ có ý nghĩa kích thích, bổ trợ, còn thiên tính và năng khiếu thì mỗi người sẽ khác nhau. Học cũng chỉ để biết quy luật sáng tạo, chứ học cũng chưa thể thành họa sĩ, nếu tự thân thiếu đam mê và năng khiếu. Cho nên, nếu không sẵn có một nguồn năng lượng hội họa bên trong, Xèo Chu sẽ khó vẽ nhiều và vẽ đẹp như vậy.

Còn với họa sĩ Nguyễn Hải Anh thì: “Sự trong sáng dẫn lối cho suốt hành trình. Xèo Chu vẽ những vật gần gũi mình, những nơi mình đi qua và những người thân yêu bên cạnh. Trong sáng cũng chính là sự tươi mới, tạo những gam màu ngẫu nhiên, đầy bất ngờ, những cách xử lý khó có thể lý giải, nhưng lại chạm đến cảm xúc người xem một cách rung động nhất”.

Sự hồn nhiên đôi khi lại là bài học lớn cho người lớn, để khi ngẫm lại ta thấy rằng mình quên mất cái đẹp ở gần gũi và thường nhật. Một góc vườn, một chậu hoa, một cành phượng hay một đồ vật nó trở nên đẹp và cuốn hút trước Xèo Chu. Nó cũng là câu chuyện mà Xèo Chu muốn kể trực chỉ từ cám xúc tới cảm xúc”.

Trải nghiệm với cái đẹp

Trải nghiệm với cái đẹp cũng khá giản dị, tại Bến Thành Art Gallery có nhiều khách vãng lai, cứ thử để vài bức tranh của Xèo Chu tại đây, đừng nói tác giả là ai, bao nhiêu tuổi, mà hãy quan sát thái độ của người xem. Nếu thực sự biết xem tranh và chiều theo sự rung động của con tim, khó mà không bị các tranh ấy thu hút. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã mua tranh của Xèo Chu, dù họ chưa biết Xèo Chu là ai.

Con đường của Xèo Chu phía trước còn khá dài, nhiều bất ngờ và ngả rẽ, chưa biết sẽ đi lối nào. Nếu tiếp tục chọn hội họa, thì khả năng Việt Nam có thêm một họa sĩ thú vị là khá rõ ràng. Rất mong Xèo Chu chọn hội họa, để câu chuyện và hành trình ấy sẽ trở thành niềm cảm hứng cho nhiều cây cọ trẻ khác. Bởi thực tế cho thấy Việt Nam không thiếu tài năng trẻ, nhưng đa số thiếu tự tin, thiếu động lực, thiếu cảm hứng và thiếu điều kiện phù hợp để tài năng ấy trở nên là chính mình.

Xèo Chu từng có triển lãm tại Singapore, sắp tới là Mỹ, Italy và một vài thành phố khác trên thế giới. Những chuyến đi vui vẻ, thiện tâm và bất vụ lợi này sẽ mang về cho Xèo Chu niềm tin, để tăng cảm hứng với hội họa. Nếu khi trưởng thành, Xèo Chu không chọn hội họa thì cũng không sao, vì bạn ấy có vô số chọn lựa tốt đẹp khác, nhưng nếu thế giới hội họa không có được Xèo Chu thì quả là đáng tiếc. Vì công bằng nhìn nhận, năng khiếu của Xèo Chu không dễ gặp, chưa nói bạn biết tiếp lửa truyền thống hội họa bằng trái tim rất bao dung, ấm áp. Trái tim ấy dễ dàng mang lại năng lượng tích cực cho đời sống nghệ thuật.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn